Huyện Ea Kar: Ba khâu đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Lượt xem:


Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ năm 2022, huyện Ea Kar tập trung thực hiện Đề án ba khâu đột phá về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, hoạt động trải nghiệm. Những đột phá này được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng thế hệ công dân của huyện đủ trí, lực, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Học sinh là trung tâm

Từ năm học 2022 – 2023, giờ học của các em Trường Mầm non Măng non (thị trấn Ea Kar) sôi động, hấp dẫn và thú vị hơn nhiều so với trước kia. Ngoài các kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục mầm non, các em đã được làm quen với môn tiếng Anh qua các hình thù ngộ nghĩnh, các vật dụng, đồ chơi, tranh ảnh do giáo viên tự làm, sưu tầm, giúp các em bớt nhàm chán và dễ ghi nhớ các chữ cái, số đếm, từ vựng.

Để giúp các em có thể học tập, trau dồi vốn tiếng Việt, tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, giáo viên nhà trường còn trang trí lớp học bằng các góc thú vị như: góc xây dựng, góc phân vai, góc thiên nhiên… vẽ trang trí tường, sàn nhà, ghế đá bằng rất nhiều hình vẽ, con số, cảnh sắc phù hợp với lứa tuổi mầm non. Ngoài giờ học trong lớp, các em còn được hòa mình vào thiên nhiên trong khu vườn trải nghiệm. Dưới sự hướng dẫn của các cô, học sinh đã được chỉ dẫn cách phân biệt các loại rau, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, nhổ cỏ và tác dụng của từng loại rau. Qua đó, giúp các em thêm yêu thiên nhiên và giáo dục lòng biết ơn trong cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng non cho hay: Năm học 2022 – 2023, trường được UBND huyện Ea Kar hỗ trợ 60 triệu đồng để thực hiện hai khâu đột phá về tiếng Anh và hoạt động trải nghiệm. Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo giáo viên tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng các vật liệu sẵn có, tự học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tự trang trí khuôn viên trường, lớp học và trồng các loại rau. Các hoạt động này đều được phụ huynh đồng tình, hưởng ứng, hỗ trợ thực hiện, học sinh thêm hào hứng với các tiết học.

Học sinh Trường Mầm non Măng Non (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) khám phá khu vườn trải nghiệm.

Đối với Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Ea Kar), sau khi được chọn thực hiện hai nội dung đột phá về tiếng Anh và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện và TP. Buôn Ma Thuột, tăng cường giáo dục kỹ năng “mềm” cho học sinh trong các giờ học ngoại khóa, tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp… Em Dương Thục Anh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Chu Văn An bày tỏ: Câu lạc bộ tiếng Anh là câu lạc bộ đầu tiên được nhà trường thành lập. Được tham gia câu lạc bộ, em rất thích thú, hào hứng vì đây như một “sân chơi” của những học sinh yêu thích môn tiếng Anh. Câu lạc bộ được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, học sinh được giao tiếp bằng tiếng Anh, tham gia các cuộc thi hùng biện với nhiều chủ đề về văn hóa, xã hội, lịch sử của các nước trên thế giới. Nhờ vậy, học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng thuyết trình, mạnh dạn, tự tin hơn.

Tạo chuyển biến thực chất trong giáo dục

Thực hiện các chương trình, nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện, năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tham mưu UBND huyện Ea Kar đã ban hành, triển khai Đề án số 264/ĐA-UBND thực hiện ba khâu đột phá về ngoại ngữ, công nghệ thông tin và hoạt động trải nghiệm trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030. Huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, xây dựng kế hoạch cụ thể và lựa chọn các trường học triển khai thực hiện.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục huyện, năm 2022, huyện đã bố trí 1,5 tỷ đồng từ ngân sách để nâng cấp hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin cho 6 trường tiểu học và THCS trên địa bàn, xây dựng kho học liệu số, tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử và xây dựng thiết bị dạy học số năm học 2022 – 2023. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo các trường nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh thông qua việc trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học bằng song ngữ, tổ chức cho học sinh làm quen với tiếng Anh, xây dựng môi trường học qua việc tiếng Anh hóa các bảng biểu, khẩu hiệu, nội quy trường lớp, trang trí lớp học bằng song ngữ. Để giúp học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, các trường học đã xây dựng vườn thực nghiệm, vườn rau sạch, thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, hát then, múa xòe, đàn tính… Năm 2023, ngoài nguồn kinh phí ngân sách 2 tỷ đồng, huyện kêu gọi chính quyền địa phương, các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân và phụ huynh tích cực ủng hộ nhằm thực hiện hiệu quả đề án.

Giờ sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar).

Thầy Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar đánh giá: Qua 1 năm triển khai Đề án ba khâu đột phá trong ngành đã đem lại kết quả, dấu ấn tích cực, tạo sự sáng tạo, đột phá trong công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện. Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao của các trường, phụ huynh và thu hút đông đảo học sinh tham gia, góp phần xây dựng thế hệ công dân mới có kiến thức, kỹ năng, trí, lực, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng thị xã Ea Kar trong tương lai.

Nguyễn Xuân (Báo Đắk Lắk điện tử)